Một Số Nguyên Nhân Cháy Do Điện Gây Ra Và Biện Pháp Đề Phòng

Một Số Nguyên Nhân Cháy Do Điện Gây Ra Và Biện Pháp Đề Phòng

An toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một chủ đề quan trọng trong việc sử dụng điện hàng ngày. Sự cẩn thận và hiểu biết về cách sử dụng đúng các thiết bị điện có thể giảm thiểu rủi ro gây cháy nổ và bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của chúng ta. Trong bài viết này, SCT HOLDING sẽ cung cấp một số kiến thức cơ bản về nguyên nhân gây cháy khi sử dụng điện để có những biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn PCCC.

1. Cháy do bị chập mạch điện

Chập mạch điện là trường hợp các dây pha chập vào nhau, dây nóng chạm vào dây nguội, dây nóng chạm đất làm điện trở mạch ngoài rất nhỏ, dòng điện trong mạch tăng rất lớn.

1.1 Nguyên nhân gây chập mạch điện

-  Đối với loại dây có lớp  bọc cách điện: Do dây bị kéo căng quá mức; sử dụng lâu ngày bị lão hoá mất khả năng cách điện,  tác động  của nhiệt độ cao;  đặt dây tại khu vực có chất ăn mòn lớp cách điện;  đóng đinh vào giữa 2 dây dẫn có cùng lớp cách điện làm cho lớp cách điện bị hỏng hoặc trư­ờng hợp các mối nối của 2 dây gần nhau không có lớp cách điện đảm bảo.

- Đối với loại dây trần: Có thể bị chập mạch do m­ưa bão,  mắc dây nóng và dây nguội quá gần nhau, dây bị trùng chập.

- Việc đấu nối giữa các dây dẫn với thiết bị không đúng kỹ thuật, không chặt; do sét đánh thẳng vào đường dây.

- Đối với động cơ điện: Các cuộn dây không đảm bảo tiêu chuẩn cách điện; sử dụng lâu ngày bị lão hoá, động cơ bị kẹt quay chậm hoặc dừng quay...

1.2 Biện pháp đề phòng

- Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn điện và phòng cháy và chữa cháy, đặc biệt đối với các môi trường có nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, nguy hiểm cháy nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị điện đảm bảo an toàn, phù hợp với các khu vực đó.

- Đối với nguồn điện phục vụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ phải lắp đặt hệ thống điện chống cháy.

- Thư­ờng xuyên và định kỳ kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót của hệ thống điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.

- Ngắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và khi ngủ.

- Lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét cho hệ thống điện.

- Lắp đặt các thiết bị bảo vệ đúng tiêu chuẩn để kịp thời ngắt mạch khi xảy ra  chập mạch.

2. Cháy do dòng điện quá tải

Quá tải là trường hợp dòng điện tiêu thụ lớn hơn dòng điện định mức cho phép của dây dẫn, làm cho cư­ờng độ dòng điện tăng toả ra nhiệt lư­ợng lớn hơn nhiều so với lúc bình thường, đến mức có thể làm cháy lớp cách điện của dây dẫn.

2.1 Nguyên nhân quá tải

- Động cơ điện bị kẹt, quay chậm hoặc dừng quay.

- Thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn điện không đúng tiêu chuẩn , dây dẫn có tiết diện nhỏ hơn so với yêu cầu của thiết bị điện.

- Lắp đặt nhiều thiết bị điện nhưng không cải tạo, thay thế hệ thống dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn.

- Cắm nhiều thiết bị điện cùng một lúc vào một ổ cắm.

- Không lắp các thiết bị tự ngắt (áptômat, cầu chì...) hoặc lắp các thiết bị tự ngắt không đúng tiêu chuẩn.

- Không kiểm tra, bảo dưỡng động cơ điện.

2.2 Phương pháp phát hiện quá tải

- Dùng Ampe kế để kiểm tra cường độ dòng điện và so sánh với bảng tiêu chuẩn cường độ dòng điện cho phép.

- Có thể phát hiện bằng mắt thường hoặc bằng tay khi thấy tại vị trí ổ cắm điện, đường dây bị biến dạng, biến màu và đặt tay lên cảm thấy nóng hơn bình thường.

2.3 Biện pháp đề phòng

- Thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng.

- Lắp đặt thiết bị tự ngắt đúng tiêu chuẩn và không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt làm cho các thiết bị này không đúng tiêu chuẩn, hoạt động thiếu chính xác.

- Không dùng nhiều thiết bị điện cùng một lúc và cùng một ổ cắm.

- Thường xuyên, định kỳ kiểm tra hệ thống điện để khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót gây quá tải.

3. Cháy do đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật

3.1 Nguyên nhân

Tại điểm đấu nối không đúng kỹ thuật (tiếp xúc không tốt) sẽ:

-  Khi dòng điện chạy qua, điện trở tại điểm đấu nối tăng, phát sinh nhiệt làm điểm đầu nối nóng đỏ.

-  Do mối nối lỏng sẽ phóng tia lửa điện gây cháy các vật xung quanh.

3.2 Biện pháp đề phòng:

-  Cầu dao, bảng điện phải được bắt chặt và có hộp bảo vệ, cầu chì có đủ nắp đậy; ở những nơi có chất cháy, các thiết bị điện này phải được đặt phía ngoài, ở những nơi có nguy hiểm cháy, nổ phải lắp đặt hệ thống điện an toàn phòng cháy, nổ.

- Các mối nối phải chặt và bọc kín bằng chất cách điện.

- Không nối hai dây dẫn có chất liệu và điện trở khác nhau để dẫn điện.

- Không để các vật dễ cháy (nhất là xăng, dầu, diêm...) gần bảng điện, cầu dao, cầu chì ... đề phòng phóng tia lửa gây cháy, nổ.

4. Cháy do sự truyền nhiệt của thiết bị tiêu thụ điện.

4.1 Nguyên nhân

- Các thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt như bóng điện, bàn là, bếp điện, lò sưởi điện... khi sử dụng toả ra lượng nhiệt rất lớn , nhiệt độ của các thiết bị trên đều lớn hơn nhiệt độ bốc cháy của nhiều loại chất cháy. Do đó khi sử dụng các thiết bị sinh nhiệt nếu để chất cháy liền kề sẽ bị cháy và cháy lan.

4.2 Biện pháp đề phòng

- Đặt các thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt cách xa vật liệu, đồ dùng là chất cháy, khi sử dụng phải có người giám sát.

- Trong khu vực có nồng độ hơi, bụi nguy hiểm cháy nổ phải thiết kế , lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện an toàn phòng cháy nổ. Không dùng bóng điện để sấy quần áo, không dùng giấy làm chao đèn.... Khi mất điện phải ngắt nguồn điện cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện.

- Ngắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và khi ngủ.

5. Cháy do tia lửa tĩnh điện

Tĩnh điện là hiện tượng phát sinh do sự ma sát giữa các vật cách điện với nhau hoặc giữa các vật cách điện với vật dẫn điện, do sự chuyển động xáo trộn của các lớp chất lỏng không dẫn điện hoặc va đập của chất lỏng không dẫn điện với kim loại. Tĩnh điện còn được tạo ra ở trên các hạt nhỏ rắn cách điện trong quá trình bị nghiền nát.

Các trường hợp tĩnh điện, thế hiệu thường đạt tới 20- 50 KV rất nguy hiểm cháy.

5.1 Biện pháp đề phòng

- Tiếp đất cho các thiết bị máy móc, các bể chứa, các đường ống dẫn nguyên liệu,  các phương tiện chuyên chở. Thiết bị nối đất phải có điện trở từ 5- 10W.

- Tăng độ ẩm của không khí ở khu vực có nguy hiểm về tĩnh điện.

-  Ion hoá không khí để nâng cao tính dẫn điện của không khí.

- Dùng các thiết bị máy móc như vôn kế tĩnh điện, tĩnh nghiệm điện có tụ điện, tín hiệu tự báo động báo có tĩnh điện để kiểm tra tĩnh điện.

5.2 Biện pháp chữa cháy do điện gây ra hoặc trong khu vực có điện.

- Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt nguồn cung cấp điện .

+ Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, áptômát.

+ Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.


SCT HOLDING - Chuyên Gia Hàng Đầu Về PCCC

- Hotline: 0899 0000 77 

- Email: info@scttop1.com

Bài trước Bài sau
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.