Một Số Nội Dung Liên Quan Đến Công Tác Kiểm Định Vách Kính Ngăn Cháy
- Người viết: SCT HOLDING lúc
- Tài Liệu PCCC Khác
Ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Mục 5, Phụ lục VII của Nghị định này quy định mẫu cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy) thuộc diện phải kiểm định phòng cháy và chữa cháy.
Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát PCCC và CNCH giới thiệu một số nội dung liên quan đến công tác kiểm định vách kính ngăn cháy, cụ thể như sau:
Vách kính ngăn cháy được hiểu là: Một hệ vách hoàn chỉnh bao gồm một tấm kính riêng biệt hoặc một số tấm kính được liên kết giữ vào hệ khung đỡ (bằng kim loại) thông qua các thanh nẹp, gioăng (hoặc vật liệu tương đương) chèn bịt khe tiếp giáp giữa bề mặt kính và khung đỡ/nẹp.
Tiêu chuẩn để thử nghiệm khả năng chịu lửa của vách kính ngăn cháy bao gồm:
- TCVN 9311 -1:2012 - Thử nghiệm chịu lửa – Các bộ phận công trình xây dựng - Phần 1: Yêu cầu chung.
- TCVN 9311 -3:2012 - Thử nghiệm chịu lửa – Các bộ phận công trình xây dựng - Phần 3: Chỉ dẫn về phương pháp thử và áp dụng số liệu thử nghiệm;
- ISO 3009: 2003 Fire resistance tests - Elements of building construction - Glazed elements (ISO 3009:2003 Thử nghiệm chịu lửa – Các bộ phận công trình xây dựng - Cấu kiện kính)
- BS EN 1364-3:2014, Fire resistance tests for non-loadbearing elements - Part 3: Curtain walling - Full configuration (complete assembly (Thử nghiệm chịu lửa cho bộ phận không chịu tải- Phần 3: Tưởng rèm-cầu hình đầy đủ);
- BS EN 1364-4:2014, Fire resistance tests for non-loadbearing elements - Part 3: Curtain walling – Part configuration (Thử nghiệm chịu lửa cho bộ phận không chịu tải- Phần 3: Tường rèm-cầu hình một phần);
- TCVN 9311 -8:2012 - Thử nghiệm chịu lửa – Các bộ phận công trình xây dựng – Phần 8: Các yêu cầu riêng đối với bộ phận ngăn cách đứng không chịu tải.
Kiểm định vách kính ngăn cháy ở đây là việc xác định giới hạn chịu lửa của vách kính ngăn cháy thể hiện ở các tiêu chí: Tính toàn vẹn và tính cách nhiệt (nếu yêu cầu).
Trình tự thử nghiệm được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị mẫu thử nghiệm
1. Lựa chọn mẫu:
Mẫu thử nghiệm phải đại diện đầy đủ cho kết cấu theo hồ sơ đề nghị thử nghiệm và sẽ được sử dụng trong thực tế. Độ nghiêng của mẫu thử phải được chọn theo yêu cầu sử dụng. Hướng thử của mẫu thử phải dựa trên việc sử dụng của vách kính ngăn cháy trong thực tế - tức là tiếp xúc với lửa từ bên trên hoặc bên dưới.
2. Cấu tạo mẫu
Mẫu thử nghiệm phải đại diện đầy đủ cho cấu kiện dự kiến sử dụng trong thực tế, bao gồm hoàn thiện bề mặt và phụ kiện cần thiết và có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của nó trong thử nghiệm hoặc được thiết kế để kết quả thử nghiệm có được khả năng áp dụng rộng nhất cho các cấu kiện xây dựng tương tự khác. Mẫu thử nghiệm không được chứa kết hợp của các loại cấu kiện khác nhau, ví dụ, các loại kính khác nhau, trừ khi nó đại diện đầy đủ cho kết cấu trong thực tế.
3. Số lượng mẫu thử
- Đối với mẫu vách kính dạng đứng, số lượng mẫu thử tuỳ thuộc vào mặt chịu lửa của mẫu thử theo tiêu chuẩn TCVN9311-1. Nếu mẫu thử có kết cấu đối xứng, đơn vị đặt hàng thử nghiệm chỉ cần thử 01 mẫu.
- Đối với mẫu vách kính nằm ngang hoặc nghiêng, các thử nghiệm phải được tiến hành với sự tiếp xúc từ mặt dưới, trừ khi đối với các mẫu thử nghiêng, có thể chứng minh rằng sự tiếp xúc có thể xảy ra từ cả hai phía, trong trường hợp đó phải thử cả hai mặt (khi đã biết mặt tiếp xúc với lửa chỉ cần thử nghiệm với mặt chịu lửa).
4. Kích thước của mẫu thử
- Đối với mẫu thử trong lò đứng, kích thước mẫu thử phải là kích thước đầy đủ khi kết cấu thực tế có chiều dài nhỏ hơn 3m hoặc chiều rộng nhỏ hơn 3m. Đối với các cấu kiện có kích thước lớn hơn kích thước miệng lò là 3m x 3m, kích thước mẫu thử tối thiểu là 3m x 3 m.
- Đối với mẫu thử được thử nghiệm trong lò thử nghiệm theo phương ngang, kích thước tiếp xúc của mẫu thử ít nhất phải là 4m x 3 m, trừ khi kết cấu mà nó đại diện được thiết kế có kích thước tiếp xúc nhỏ hơn 4m x 3 m, trong trường hợp đó là thực tế kích thước sẽ được kiểm tra.
Bước 2: Thử nghiệm và xác định giá trị kết quả thử nghiệm
1. Kiểm tra lò thử nghiệm: Việc đo và kiểm tra các điều kiện như nhiệt độ, áp lực trong lò thử nghiệm phải tuân theo quy định trong TCVN 9311-1:2012.
2. Thực hiện thử nghiệm:
Mẫu thử được làm khô, gắn vào lò gia nhiệt và cài đặt các thiết bị giám sát nhiệt độ mẫu thử, nhiệt độ và áp suất lò đốt, tiến hành gia nhiệt theo theo quy định của TCVN 9311-1:2012, và theo tài liệu hướng dẫn sử dụng lò thử nghiệm của nhà sản xuất. Các bước tiến hành thử nghiệm bao gồm:
+ Cố định mẫu vào giá để mẫu;
+ Cố định giá để mẫu vào lò đốt;
+ Cố định các vị trí đầu đo, vẽ lại sơ đồ bố trí;
+ Gia nhiệt lò đốt theo tiêu chuẩn TCVN 9311-1:2012 (ISO 834-1). Chế độ nhiệt của lò đốt theo tiêu chuẩn và nhiệt độ thực của lò đo được theo yêu cầu
T = 345 log10(8t + 1) + 20
Trong đó : T - nhiệt độ trung bình của lò, oC; t - thời gian (phút)
3. Xác định giá trị kết quả thử nghiệm:
- Tính toàn vẹn: Được lấy bằng khoảng thời gian (phút) mẫu thử liên tục duy trì chức năng ngăn cách trong quá trình thử nghiệm mà không:
+ Làm bùng cháy đệm bông (quy định tại 8.4.1 TCVN 9311);
+ Cho phép đưa cữ đo khe hở vào (quy định tại 8.4.2 TCVN 9311);
+ Dẫn đến sự bốc cháy tại bề mặt không tiếp xúc lửa với thời gian > 10 s.
- Tính cách nhiệt: Được lấy bằng khoảng thời gian (phút) mà mẫu thử liên tục duy trì chức năng ngăn cách trong quá trình thử nghiệm mà không làm tăng nhiệt độ ở bề mặt không tiếp xúc với lửa, cụ thể là:
+ Làm tăng nhiệt độ trung bình lên hơn 140K so với nhiệt độ trung bình ban đầu; hoặc
+ Làm tăng lên hơn 180K so với nhiệt độ ban đầu tại bất cứ vị trí nào, kể cả đầu đo nhiệt di động (nhiệt độ ban đầu là nhiệt độ trung bình của mặt không tiếp xúc với lửa vào thời điểm bắt đầu thực hiện phép thử).
Nguồn: Phòng 7 - Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ Công an.
SCT HOLDING - Chuyên Gia Hàng Đầu Về PCCC
Hotline: 0899 0000 77