Một Số Vấn Đề Cơ Bản Cần Lưu Ý Khi Chữa Cháy Các Đám Cháy Hóa Chất

Một Số Vấn Đề Cơ Bản Cần Lưu Ý Khi Chữa Cháy Các Đám Cháy Hóa Chất

1. Đối với hóa chất thuộc nhóm (khí dễ cháy)

- Trong giai đoạn khống chế và dập tắt đám cháy, các tiểu đội được giao nhiệm vụ phải thường xuyên phun nước làm mát thiết bị công nghệ và thiết bị chứa khí. Tuyệt đối không được sử dụng tia nước đặc để làm mát các thiết bị làm việc dưới áp suất cao khi đang bị tác động nhiệt.

Khi làm lạnh bề mặt của thiết bị công nghệ cần đảm bảo phun bao trùm toàn bề mặt thiết bị đang cháy và ít nhất một nửa bề mặt của thiết bị lân cận (phần giáp với thiết bị đang cháy).

- Khi sự cố cháy xảy ra ở các thiết bị làm việc dưới áp suất cao, sản phẩm dầu khí cháy thoát ra từ các thiết bị.

+ Cần tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn chất cháy thoát ra từ các thiết bị (đóng các van cung cấp nguyên liệu cho thiết bị sự cố hoặc vận hành hệ thống tháo rút nguyên liệu ra nơi an toàn từ thiết bị sự cố....).

+ Vận hành hệ thống phun nước, khí trơ, hơi nước nhằm bảo vệ các thiết bị công nghệ.

- Các chiến sĩ có mặt trong khu vực bị đám cháy tác động nhất thiết phải sử dụng quần áo cách nhiệt và các phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, ủng, thiết bị thở...).

- Không được bố trí lực lượng và phương tiện đối diện các cửa của thiết bị chứa, cửa các tháp chưng cất, phía đầu của các thiết bị nằm ngang, các cửa của thiết bị trao đổi nhiệt và các mặt bích kết nối giữa các thiết bị.

2. Đối với hóa chất thuộc nhóm (khí gas độc hại)

- Cán bộ chiến sĩ khi tham gia chữa cháy cần phải mang trang phục và các thiết bị đặc chủng khác để chống hít phải khí độc;

- Xác định hướng gió và triển khai đội hình xử lý sự cố từ đầu hướng gió;

- Sử dụng nước dạng phun sương nhằm làm loãng nồng độ khí độc tại các khu vực có cán bộ chiến sĩ làm việc;

- Có biện pháp khuyến cáo, cảnh báo việc di rời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực cuối hướng gió.

3. Đối với hóa chất thuộc nhóm 3 (các chất lỏng dễ cháy)

* Đối với chất lỏng dễ cháy có nguồn gốc từ dầu mỏ như: Dầu hỏa, Benzen, Xăng, Dầu Diesel ...

- Sử dụng bọt, cát, bột để dập tắt và khoanh vùng đám cháy

- Không sử dụng nước để chữa cháy đám cháy chảy loang trên sàn hoặc phun vào các thiết bị chứa vì dễ làm đám cháy lan truyền rộng hơn hoặc bị sôi trào chất lỏng cháy ra ngoài thiết bị;

- Chiến sĩ chữa cháy khi tiếp cận gần đám cháy để tiến hành các hoat động chữa cháy phải mang trang phục bảo hộ chống nóng và thiết bị bảo vệ hệ hô hấp;

- Không sử dụng tia nước đặc phun sục vào đám cháy vì nguy cơ bắn sản phẩm ra xung quanh gây cháy lan và gây bỏng cho chiến sĩ.

* Đối với chất lỏng dễ cháy với thành phần là etanol (gốc rượu)

- Nếu đám cháy xảy ra ban ngày sẽ rất khó phát hiện ngọn lửa (vì ngọn lửa màu trắng). Do vậy, không phun tia nước đặc vào gốc lửa vì nguy cơ chất lỏng bắn ra xung quanh gây cháy lan và gây bỏng cho cán bộ chiến sĩ;

- Sử dụng tia mước phân tán (phun mưa) vừa làm mát, vừa hòa loãng nồng độ chất cháy để dập tắt đám cháy;

4. Đối với hóa chất thuộc nhóm 4.2 (các chất có khả năng tự bốc cháy)

- Bố trí đội hình chữa cháy, CNCH ở đầu hướng gió nhằm tránh bị tác động của sản phẩm độc hại sinh ra từ đám cháy. Các chiến sĩ tham gia chữa cháy trong vùng nguy hiểm phải có trang phục chuyên dụng và thiết bị phòng chống khói, khí độc để bảo vệ cơ quan hô hấp;

- Sử dụng nước để phun liên tục vào vị trí hóa chất thoát ra từ thiết bị nhằm hạn chế hóa chất tiếp xúc với không khí gây cháy;

- Sử dụng các dụng cụ, thiết bị phù hợp nhằm bịt lỗ thủng từ thiết bị chứa hóa chất (nếu có thể). Khi tiếp cận để thực hiện các thao tác này chiến sĩ phải được ttrang bị các thiết bị bảo hộ đảm bảo theo đúng yêu cầu đề ra, đúng quy trình quy định;

- Trong trường hợp không thể bịt lỗ thủng của thiết bị chứa thì tính phương án đưa toàn thùng chứa hóa chất đó ngập chìm trong nước để ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ tự bốc cháy.

5. Đối với hóa chất thuộc nhóm 4.3 (các chất khi tiếp xúc với nước sẽ sinh khí dễ cháy, nổ)

- Không sử dụng nước để phun vào đám cháy. Chỉ sử dụng nước để làm mát cán bộ chiến sĩ chữa cháy và ngăn cháy lan sang các công trình liền kề;

- Các chất có thể sử dụng để chữa cháy có thể là: Bọt bội số nở cao, nở trung bình, bột, cát.

6. Đối với hóa chất thuộc nhóm 5 (các chất là peroxit hữu cơ)

- Không sử dụng tia nước đặc phun mạnh vào các khu vực có đặt các bồn chứa hóa chất để tránh gây ra những tác động, va chạm mạnh;

- Không để các chất này tiếp xúc với các vật liệu có khả năng cháy khác;

- Sử dụng nước dạng phân tán nhỏ để làm mát và dập tắt đám cháy.

7. Đối với những chất thuộc nhóm 6 (chất độc)

- Yêu cầu cơ sở cung cấp đầy đủ thông tin và những khuyến cáo khi tiếp xúc hóa chất độc và cung cấp các thiết bị hỗ trợ quá trình tiếp cận, xử lý sự cố;

- Chiến sĩ chỉ được tiếp cận đám cháy nơi có các hóa chất độc khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn (quần áo, găng tay, thiết bị thở…);

- Tính toán phương án sử dụng chất chữa cháy phù hợp (bọt, bột…);

- Hạn chế sử dụng tia nước đặc, tia nước phân tán phun vào đám cháy nếu như làm tăng khả năng phát tán của chất độc ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nguồn nước...

- Nên sử dụng tia nước phun dạng sương nhằm làm giảm nồng độ hơi khí độc ở khu vực chiến đấu và môi trường xung quanh lực lượng làm nhiệm vụ.

8. Đối với những nhất thuộc nhóm 7 (nhóm các chất phóng xạ)

- Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên trách quản lý ngành (Bộ, Sở Khoa học công nghệ…) để có phương án xử lý an toàn và hiệu quả;

- Trước khi tiếp cận đám cháy, tại các khu vực có chất phóng xạ hoặc nghi có chất phóng xạ thì cần phải phải tuân thủ đúng quy trình khi tiếp xúc với dạng chất này; phải có đầy đủ các thiết bị bảo vệ chống nhiễm phóng xạ …

- Phối hợp với các đơn vị liên quan khuyến cáo cho nhân dân khu vực xung quanh sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn;

- Sử dụng các phương tiện, các chất chữa cháy phù hợp để dập tắt đám cháy, ngăn ngừa đám cháy tác động đến khu vực có các chất phóng xạ.

9. Đối với những chất thuộc nhóm 8 (các chất ăn mòn)

- Yêu cầu cơ sở cung cấp thông tin đầy đủ về các loại hóa chất đang có trong khu vực đám cháy, những tính chất cơ bản của chúng;

- Phải đảm bảo các thiết bị an toàn (các trang phục chống hóa chất ăn mòn theo quy định) nhằm loại trừ nguy cơ chất ăn mòn tiếp xúc với cơ thể;

- Có phương án hạn chế hoặc loại trừ hóa chất ăn mòn tiếp xúc với các phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH;

- Thiết lập khu vực để rửa trôi, khử hoặc trung hòa các hóa chất ăn mòn đối với cán bộ chiến sĩ và các phương tiện tham gia xử lý sự cố;

- Khi sử dụng các chất chữa cháy cần tính toán lựa chọn loại chất cho phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán, lan truyền của hóa chất ăn mòn ra khu vực xung quanh, lên các thiết bị máy móc của cơ sở…

- Nếu các hóa chất ăn mòn có trong khu vực đám cháy không kỵ đối với các chất chữa cháy thông thường thì nên sử dụng bọt, bột, cát để dập tắt đám cháy. Không sử dụng tia nước đặc phun vào đám cháy vì nguy cơ gây bắn tung axit ra xung quanh, nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy. Sử dụng nước dạng phun mưa, phun phân tán hơi hóa chất để làm mát, ngăn cháy lan.

- Kết thúc quá trình chữa cháy cần phải tiến hành các hoạt động tẩy rửa cho các chiến sĩ tham gia chữa cháy nhằm loại trừ hoàn toàn các hoá chất có trên trang phục bảo hộ.


SCT HOLDING - Chuyên Gia Hàng Đầu Về PCCC

- Hotline: 0899 0000 77 

- Email: info@scttop1.com

Bài trước Bài sau
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.