Quy Định Về Việc Huấn Luyện Và Cấp Chứng Nhận Huấn Luyện Nghiệp Vụ Phòng Cháy, Chữa Cháy, Cứu Nạn, Cứu Hộ (Theo Nghị Định Số 136/2020/NĐ-CP)
- Người viết: SCT HOLDING lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
I. Đối tượng thuộc diện huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH (sau đây gọi tắt là chứng nhận)
1. Đối tượng thuộc diện huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC được quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP gồm:
a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy;
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;c) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
d) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;
g) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
2. Đối tượng thuộc diện huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH được quy định tại điều khoản 1 Điều 11 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP gồm:
a) Lực lượng PCCC chuyên ngành.
b) Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở.
c) Lực lượng khác khi có nhu cầu.
3. Đối tượng thuộc diện huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH:
Tương tự như đối tượng thuộc diện huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH.
II. Hồ sơ đề nghị huấn luyện và cấp, đổi, cấp lại chứng nhận
1. Hồ sơ đề nghị huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC
a) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở tự tổ chức huấn luyện, hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị kiểm tra, cấp chứng nhận huấn luyện;
- Kế hoạch, chương trình nội dung huấn luyện;
- Danh sách trích ngang lý lịch của người được huấn luyện.
b) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức huấn luyện,hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị tổ chức huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện;
- Danh sách trích ngang lý lịch của người đăng ký tham gia huấn luyện.
c) Đối với cá nhân có nhu cầu: Có văn bản đề nghị tham gia huấn luyện, cấp chứng nhận.
2. Hồ sơ đề nghị huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH
a) Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở, hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị tổ chức huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện;
- Danh sách trích ngang lý lịch của người tham gia huấn luyện;
- Giấy khám sức khỏe có xác nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên của người đăng ký dự lớp huấn luyện.
b) Đối với cá nhân có nhu cầu, hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị tham gia huấn luyện, cấp chứng nhận;
- Sơ yếu lý lịch;
- Giấy khám sức khỏe có xác nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên.
3. Hồ sơ đề nghị huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH
Tương tự như hồ sơ đề nghị huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH.
4. Hồ sơ đề nghị đổi chứng nhận trong trường hợp bị hư hỏng gồm văn bản đề nghị đổi và chứng nhận đã được cấp trước đó.
5. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng nhận trong trường hợp bị mất gồm văn bản đề nghị cấp lại.
III. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH
1. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC
a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g và từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;
b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g và 32 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
2. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH
a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ để cấp chứng nhận lần đầu từ 32 giờ đến 48 giờ;
b) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng lại để được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu là 32 giờ.
3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH
a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ để cấp chứng nhận lần đầu từ 48 giờ đến 72 giờ đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g và từ 64 đến 96 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;
b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu 48 giờ đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và điểm g và 64 giờ đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;
IV. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH
1. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC
a) Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;
b) Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;
c) Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;
d) Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;
đ) Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
2. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH
a) Kiến thức pháp luật về cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
b) Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ đối với một số tình huống quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.
3. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH
Gồm nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH.
V. Thời hạn giải quyết việc cấp, đổi, cấp lại chứng nhận
Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị đổi, cấp lại.
VI. Giá trị và hiệu lực của chứng nhận
1. Chứng nhận có giá trị sử dụng trên phạm vi cả nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
2. Hết thời hạn nêu trên, người được cấp chứng nhận phải được huấn luyện lại để cấp chứng nhận mới.
VII. Kinh phí tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH
Kinh phí tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH do cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân có nhu cầu tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật.
VIII. Cách thức nộp hồ sơ
Cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa, trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công hoặc gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Người được cơ quan, tổ chức, cơ sở cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Hồ sơ gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính phải ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân.
IX. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính
- Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
- Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
- Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2018 của Chính phủ quy định công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
- Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP./.
SCT HOLDING - Chuyên Gia Hàng Đầu Về PCCC
- Hotline: 0899 0000 77
- Email: info@scttop1.com
Viết bình luận